Đám ma người Mường không chỉ là một nghi lễ tiễn biệt người đã khuất mà còn là một biểu tượng văn hóa, sự gắn kết cộng đồng và niềm tin tâm linh truyền đời. Đây là dịp để cả cộng đồng cùng chia sẻ nỗi đau, gắn bó sâu sắc qua từng nghi thức truyền thống. Bài viết này sẽ cùng bạn khám phá những phong tục đặc trưng và điều kiêng kỵ trong đám tang của người Mường.
Đôi nét về đám ma người Mường
Đám ma của người Mường là một trong những nghi lễ quan trọng nhất trong đời sống văn hóa và tâm linh của dân tộc Mường. Nghi lễ này được tổ chức để tiễn đưa linh hồn người đã khuất về “mường trời” - nơi tổ tiên ngự trị và linh hồn tiếp tục tồn tại. Theo quan niệm của người Mường, cái chết không phải là sự kết thúc mà là sự chuyển đổi sang một thế giới khác, nơi linh hồn tiếp tục tồn tại. Do đó, đám ma không chỉ là dịp để bày tỏ lòng tiếc thương mà còn là cơ hội để con cháu báo hiếu, thể hiện lòng thành kính với người đã khuất.

Thầy mo - nhân vật không thể thiếu trong đám ma người Mường (Nguồn: Dân Trí)
Thầy mo - nhân vật không thể thiếu trong đám ma người Mường, sẽ được mời đến để thực hiện các bài mo, dẫn đường cho linh hồn người đã khuất về mường trời. Các bài mo này là những áng sử thi dài, kể về nguồn gốc vũ trụ, con người và hành trình của linh hồn, được đọc trong suốt buổi lễ. Ngoài ra, gia đình còn chuẩn bị các vật dụng tùy táng như bát, đĩa, vò nước để chôn cùng người chết, giúp họ có đủ vật dụng trong cuộc sống mới ở thế giới bên kia.
Tang ma của người Mường mang tính cộng đồng cao, với sự góp mặt và chung tay của cả dòng họ, làng bản. Mọi công đoạn từ lúc khâm liệm đến khi chôn cất đều được tiến hành cẩn trọng, theo đúng phong tục truyền thống. Ý nghĩa sâu sắc của đám ma thể hiện qua sự hiếu thảo, tín ngưỡng và nghệ thuật dân gian, giúp an ủi gia đình tang chủ và gắn kết cộng đồng.
Những nghi lễ của đám ma người Mường
Nghi lễ đám ma người Mường được chia thành ba giai đoạn chính: trước khi khâm liệm, trong suốt đám ma và sau khi chôn cất. Mỗi giai đoạn đều mang ý nghĩa tâm linh riêng, thể hiện sự tôn kính với người đã khuất và niềm tin vào thế giới bên kia.
Trước khi khâm liệm

Họ hàng và cả bản làng cùng chung tay lo tang lễ (Nguồn: Gia Đình)
Khi một người Mường qua đời, gia đình lập tức báo tin cho họ hàng và cả bản làng để cùng chung tay lo tang lễ. Người thân sẽ tắm rửa thi thể bằng nước sạch, thay quần áo chỉnh tề, như một cách giúp người mất được thanh thản và "sạch sẽ" khi về với tổ tiên. Theo phong tục, người Mường thường đặt một ít gạo và tiền vào miệng người quá cố. Nghi thức này gọi là “ngậm hàm”, mang ý nghĩa giúp người quá cố mang theo của cải để dùng ở thế giới bên kia.
Trong suốt đám ma
Trong suốt đám ma, không khí vừa trang nghiêm vừa mang tính cộng đồng. Quan tài thường được làm từ gỗ khoét rỗng, có hình dáng như một chiếc thuyền, tượng trưng cho hành trình vượt sông đưa linh hồn về với tổ tiên. Trước khi bắt đầu các nghi lễ chính, thầy mo sẽ thực hiện nghi thức gọi hồn và đọc những đoạn mở đầu trong bài mo để dẫn đường cho linh hồn người đã khuất. Phường trò ma (nhóm nghệ nhân dân gian) sẽ hát, múa và diễn trò như một cách làm dịu sự tang thương và an ủi gia đình tang chủ.

Thầy mo thực hiện nghi thức gọi hồn (Nguồn: Bảo tàng Dân tộc và Miền núi)
Một nghi lễ đặc biệt là “tế quạt ma”, nơi các con dâu mặc trang phục truyền thống, cầm quạt cọ và gậy, thực hiện điệu múa quạt ma trước quan tài. Tiếng kèn tang ma người Mường, phối hợp với cồng chiêng, trống và thanh la, vang lên ai oán, như lời tiễn biệt đầy xúc cảm. Đám ma thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày, tùy vào điều kiện gia đình, với sự tham gia của đông đảo họ hàng và dân bản. Mỗi ngày, gia đình sẽ nấu cỗ đơn giản để đãi họ hàng, dân bản, người đến viếng. Chỉ đến ngày cuối, sau khi mọi nghi lễ kết thúc, tang chủ mới làm bữa cỗ chính (“cỗ lớn” hay “cỗ tiễn”) mang ý nghĩa chia lộc, tạ lễ tổ tiên và cộng đồng.
Sau khi chôn cất

Quá trình chôn cất trong đám ma của người Mường (Nguồn: Dân Việt)
Sau khi chôn cất, gia đình tiến hành các nghi lễ như lễ cúng ba ngày (mở cửa mả), cúng 49 ngày và cúng 100 ngày để linh hồn người quá cố được siêu thoát. Đặc biệt, tang ma của người Mường ở Hòa Bình có tục đặt bốn viên đá lớn ở bốn góc mộ để đánh dấu và bảo vệ phần mộ khỏi tà khí hay xâm phạm. Lễ cúng ba ngày thường bao gồm việc viếng mộ, đắp đất và cúng cơm, thể hiện sự chăm sóc của người sống đối với linh hồn người chết.
Đọc thêm: Đám cưới người Mường: Bức tranh văn hóa độc đáo của đồng bào vùng cao
Những nét độc đáo trong tang ma của người Mường ở Hòa Bình
Người Mường cư trú cư trú chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Phú Thọ, Sơn La. Tuy nhiên, người Mường cho rằng Hòa Bình là quê hương gốc vì tổ tiên của mình có từ thời “đẻ đất, đẻ nước” thời xa xưa. Với bốn vùng Mường lớn (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động), nơi đây được xem là cái nôi bảo tồn những nét văn hóa tang ma đặc trưng của người Mường thông qua những phong tục sau.
Tục đòi “mội”
Tục đòi “mội” là một phong tục đặc biệt trong đám ma người Mường tại Hòa Bình và một số vùng lân cận như Thanh Hóa. Khi có người cao tuổi qua đời, gia đình có con trai đã lập gia đình sẽ đến nhà thông gia để đòi “mội” - tức là các sính lễ mà nhà trai từng mang sang khi cưới con dâu. “Mội” thường bao gồm một cây gỗ hình nhà sàn, trang trí hoa quả, bánh kẹo, gà luộc, một khiêng gạo, rượu và đôi khi là một con lợn sống.

Gia đình có con trai đã lập gia đình sẽ đến nhà thông gia để đòi “mội (Nguồn: VnExpress)
Phong tục này mang ý nghĩa cảm ơn đấng sinh thành đã nuôi dưỡng chàng rể và trả ơn lễ nghi khi nhà trai hỏi cưới. “Mội” được dùng để cúng người quá cố và làm cỗ mời thông gia, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa hai gia đình. Dù ngày nay một số nghi thức đã được đơn giản hóa, tục đòi “mội” vẫn được gìn giữ như một nét văn hóa đặc trưng, nhất là tại các bản Mường ở Hòa Bình.
Những điệu múa trong đám ma
Điệu múa trong đám ma người Mường, đặc biệt là múa quạt ma, là một nét nghệ thuật dân gian đặc sắc. Trong nghi lễ “tế quạt ma”, các con dâu mặc trang phục truyền thống, cầm quạt cọ và gậy, thực hiện các động tác múa uyển chuyển trước quan tài. Điệu múa này không chỉ thể hiện lòng hiếu thảo mà còn mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, cầu mong linh hồn được bình an trên hành trình về cõi tổ tiên.
Ngoài ra, tại một số đám ma ở Hòa Bình, các phường trò ma còn trình diễn các điệu múa mô phỏng lao động, săn bắt như múa “Ca hổ lang” hay múa sanh tiền. Những tiết mục này không chỉ tạo nên không khí sinh động mà còn giúp gia đình tang chủ vơi bớt nỗi đau mất mát. Sự kết hợp giữa múa, nhạc và lời mo trong đám ma là minh chứng cho sự phong phú của nghệ thuật diễn xướng dân gian Mường.
Tang phục trong đám ma của người Mường
Tang phục của người Mường mang nét độc đáo không thể nhầm lẫn. Tang phục không chỉ thể hiện vai vế trong gia đình mà còn mang ý nghĩa tâm linh, giúp linh hồn người quá cố nhận ra người thân.

Con dâu mặc bộ đồ “quạt ma” màu đỏ rực rỡ (Nguồn: Bảo tàng Tỉnh Sơn La)
Trong đám ma, con dâu thường mặc bộ đồ “quạt ma” màu đỏ rực rỡ, gồm váy đen, áo chùng đỏ, yếm đỏ, mũ trang trí tua hạt cườm, tay đeo vòng và cầm quạt cọ. Khác với màu đỏ trong niềm tin của những dân tộc khác là biểu tượng của sự may mắn, màu đỏ trong tang phục người Mường tượng trưng cho sự tái sinh và tiếp nối của sự sống. Trong khi đó, con trai và người thân khác mặc áo trắng hoặc áo chàm, đội khăn tang.
Kèn đám ma người Mường
Tiếng kèn đám ma người Mường là một phần không thể thiếu trong nghi lễ tang ma. Kèn đồng nhỏ với âm thanh réo rắt, trầm bổng, được thổi bởi các nghệ nhân lành nghề, mang đến không khí trang nghiêm và xúc động. Tiếng kèn thường phối hợp với cồng chiêng, trống, thanh la, tạo thành một dàn nhạc bát âm đầy da diết.
Trong đám ma, tiếng kèn vang lên khi đón khách phúng viếng, lúc đưa tang hoặc khi thực hiện các nghi lễ quan trọng. Âm điệu kèn có lúc ai oán như tiếng khóc than, lúc lại êm dịu như lời an ủi người sống và dẫn lối cho linh hồn. Phong tục “thướng kèn” (khách phúng viếng tặng tiền để yêu cầu thợ kèn thổi một điệu riêng) cũng là nét độc đáo, thể hiện sự tương tác giữa người sống và linh hồn người chết. Kèn đám ma không chỉ là nhạc cụ mà còn là cầu nối tâm linh, đưa linh hồn về “mường trời”.
Còn cách nào tốt hơn để khám phá đời sống người đồng bào hơn là được lắng nghe những câu chuyện từ chính họ? Trong tour du lịch Mai Châu, bạn sẽ đồng hành cùng những hướng dẫn viên bản địa - những người am hiểu tường tận từng nếp sinh hoạt, phong tục và truyền thống nơi đây, mang đến cho bạn góc nhìn chân thực và sâu sắc nhất về vùng đất này. Liên hệ 0963 406 366 để được tư vấn chi tiết đi kèm những ưu đãi hấp dẫn.
Những kiêng kỵ trong đám tang của người Mường

Những kiêng kỵ trong đám tang của người Mường (Nguồn: Ủy ban Dân tộc)
Để tránh ảnh hưởng đến linh hồn người chết và sự bình an của người sống, có nhiều điều kiêng kỵ được người Mường tuân thủ nghiêm ngặt như:
- Không để nước mắt rơi xuống thi hài: Người Mường tin rằng nước mắt nhỏ xuống thi thể sẽ khiến linh hồn vương vấn không siêu thoát được, đồng thời gây khó khăn cho gia đình sau này.
- Kiêng mang đồ sống qua gian thờ: Thịt sống hay cành lá xanh không được mang ngang qua nơi thờ cúng, vì chúng tượng trưng cho nơi ở của các loại “phi” (ma quỷ).
- Kiêng diễn trò ma ngoài đám tang: Phường trò ma chỉ được biểu diễn trong không gian tang lễ, không tổ chức khi không có người chết để tránh gọi nhầm linh hồn.
- Kiêng đi làm nương rẫy trong thời gian tang lễ: Các gia đình trong họ hàng kiêng làm việc nặng trong 7-9 ngày sau khi chôn cất để tránh ảnh hưởng đến linh hồn người quá cố.
Đọc thêm: Chọc sàn - Phong tục lãng mạn của người dân tộc
Cỗ đám ma người Mường
Cỗ trong đám ma người Mường không chỉ đơn thuần là bữa ăn đãi khách mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Mỗi mâm cỗ được chuẩn bị chu đáo, dâng lên như một lời cầu mong linh hồn sớm siêu thoát, an yên. Dù không cầu kỳ, các món ăn vẫn mang đậm hồn cốt dân tộc như: cơm nếp, canh uôi, canh đắng, thịt lợn luộc và rượu cần. Chính sự mộc mạc ấy đã tạo nên bản sắc riêng biệt trong văn hóa tang ma của người Mường.

Mâm cỗ đám ma người Mường (Nguồn: Báo Lao động)
Cỗ cúng linh hồn thường bao gồm một mâm cơm với bát cơm úp, trứng gà luộc và đôi đũa tre, đặt trước quan tài. Một số gia đình ở Hòa Bình còn chuẩn bị mâm cỗ chay để cúng tổ tiên phường trò, cầu mong nghi lễ được suôn sẻ. Lợn, gà sống hoặc các lễ vật từ tục đòi “mội” cũng được dùng để làm cỗ, mời họ hàng và thông gia. Cỗ đám ma không chỉ là dịp để chia sẻ nỗi buồn mà còn thắt chặt tình làng nghĩa xóm và tôn vinh truyền thống gắn kết cộng đồng của người Mường.
Trong hành trình khám phá vẻ đẹp bình yên của Mai Châu, Mai Chau Hideaway Lake Resort là điểm dừng chân lý tưởng không thể bỏ qua. Tại đây, bạn không chỉ được nghỉ dưỡng trong những căn phòng đậm chất nhà sàn truyền thống mà còn được tận hưởng các tiện nghi sang trọng như hồ bơi vô cực view núi tuyệt đẹp. Cùng với đó, bạn sẽ được lắng nghe và hướng dẫn từ những người dân tộc bản địa, và được thưởng thức nhiều đặc sản đậm chất núi rừng Tây Bắc. Tại Mai Chau Hideaway Lake Resort, bạn chắc chắn sẽ có những trải nghiệm không thể nào quên!
Đám ma người Mường là nghi lễ văn hóa tâm linh độc đáo của người đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam. Dù ngày nay một số nghi thức đã được đơn giản hóa, bản sắc văn hóa trong tang ma của người Mường vẫn được lưu giữ, trở thành di sản tinh thần quý báu của dân tộc. Đa phần các cộng đồng dân tộc Tây Bắc không khắt khe với việc có người lạ tham dự đám ma, miễn là bạn thể hiện sự tôn trọng, lịch sự và sự thành tâm. Do đó, nếu có dịp đến Hòa Bình, đừng ngần ngại xin phép nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về nghi lễ độc đáo này nhé!