Giữa núi rừng Hòa Bình, những ngôi nhà sàn người Mường hiện lên mộc mạc mà vững chãi. Nhà sàn không chỉ là nơi ở, mà còn là nơi lưu giữ bao nếp sống, phong tục và những câu chuyện tổ tiên được truyền lại qua nhiều thế hệ. Ghé thăm và nghỉ lại trong một ngôi nhà sàn, bạn sẽ cảm nhận rõ hơn cái hồn văn hóa của vùng núi này.
Nguồn gốc và ý nghĩa của nhà sàn trong văn hóa người Mường
Nếu có dịp ghé thăm Hòa Bình, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà sàn cao ráo, mái lá cọ dốc, nằm san sát bên sườn núi hay giữa thung lũng xanh mướt. Nhà thường dựng trên những hàng cột lớn. Sàn cách mặt đất khoảng 1,5 đến 2 mét. Bên dưới là nơi để củi, nông cụ hoặc chuồng trâu bò. Phía trên là không gian sinh hoạt chính của cả gia đình. Nhìn từ xa, nhà sàn người Mường trông vững chãi, giản dị. Nó hòa hợp tự nhiên với núi rừng xung quanh.
.png)
Nhà sàn người Mường Hòa Bình
Nhà sàn đã gắn bó với người Mường từ hàng trăm năm trước, khi họ định cư ở vùng núi trung du Bắc Bộ. Người Mường chọn cách xây nhà trên sàn cao để tránh ẩm thấp, thú dữ và côn trùng. Kiểu nhà này vừa thoáng mát vào mùa hè, vừa giữ ấm vào mùa đông. Nó hoàn toàn phù hợp với địa hình dốc, hẹp và khí hậu mưa nhiều của vùng núi Hòa Bình.
Không chỉ để ở, nhà sàn còn mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc. Đây là trung tâm của gia đình, nơi diễn ra mọi sinh hoạt hàng ngày. Nó cũng là nơi tụ họp cả dòng họ trong những dịp quan trọng như lễ hội, cưới hỏi, đón Tết.
Xem thêm: Khám phá 7 lễ hội của người Mường tiêu biểu nhất
Không gian bên trong được bố trí theo nguyên tắc riêng. Điều này thể hiện trật tự gia đình và sự kính trọng tổ tiên. Gian giữa của nhà bao giờ cũng đặt bàn thờ. Đây là nơi thiêng liêng để con cháu tưởng nhớ cội nguồn.
Với người Mường, nhà sàn còn là nơi lưu giữ hồn vía của cả gia đình. Vì vậy, họ rất coi trọng những kiêng kỵ và phép tắc khi ở và khi bước vào nhà. Trong tâm niệm của họ, ngôi nhà không chỉ để che nắng mưa. Nó còn là một phần tâm hồn, gắn bó mật thiết với phong tục, tập quán và niềm tin của cả cộng đồng.
Đặc điểm kiến trúc độc đáo của nhà sàn người Mường
Nhà sàn người Mường là một công trình mang tính biểu tượng, phản ánh rõ nét lối sống, tập tục và trí tuệ dân gian của họ. Từng chi tiết của ngôi nhà đều được tính toán cẩn thận, vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên vùng núi vừa gắn với quan niệm tâm linh và phong thủy truyền thống.
Vật liệu mộc mạc nhưng bền chắc
Nhà sàn chủ yếu được làm bằng những vật liệu tự nhiên, sẵn có từ rừng núi quanh bản. Khung và cột nhà thường làm bằng gỗ mít, gỗ xoan hoặc gỗ lim. Đây là những loại gỗ bền, ít cong vênh, chịu lực tốt và không bị mối mọt dễ dàng. Sàn và vách nhà thường ghép từ ván gỗ hoặc đan bằng tre, nứa. Mái nhà lợp bằng lá cọ, lá gồi dày, có độ dốc lớn. Lớp mái lá giúp nhà mát mẻ vào mùa hè, giữ ấm vào mùa đông và thoát nước nhanh khi mưa lớn.
.png)
Người Mường thường chọn gỗ mít, gỗ lim hay gỗ xoan để làm cột và khung nhà sàn (nguồn: Báo ảnh Dân tộc)
Ngày nay, nhiều nhà đã thay mái lá bằng ngói hoặc tôn để tiện lợi và ít phải sửa chữa. Tuy vậy, những ngôi nhà giữ mái lá truyền thống vẫn được yêu thích nhờ vẻ đẹp mộc mạc, đậm chất bản làng.
Kết cấu nhà sàn
Một trong những nét độc đáo nhất của nhà sàn người Mường chính là ý tưởng kiến trúc mô phỏng hình dáng “con rùa”. Đây là loài vật gắn liền với sự tích rùa thần giúp dân dựng nhà. Toàn bộ ngôi nhà nhìn tổng thể như một con rùa vững chãi đang nằm giữa núi rừng.
Bốn cột cái to khỏe ở chính giữa tượng trưng cho bốn chân rùa chống đỡ thân nhà. Trên cùng, đòn nóc chạy dọc mái nhà giống như xương sống rùa. Mái nhà dốc xuống hai bên tạo thành hình dáng mai rùa che chở toàn bộ phần sàn và không gian bên trong.
Hình dáng “con rùa” không chỉ mang ý nghĩa thẩm mỹ mà còn thể hiện quan niệm tâm linh sâu sắc. Người Mường coi rùa là biểu tượng của sự trường thọ, bền vững, gắn bó với đất và nước. Vì vậy, họ tin rằng một ngôi nhà mang dáng hình rùa sẽ đem lại sự bình an, no ấm và che chở cho cả gia đình qua bao thế hệ. Cách bố trí kết cấu này cũng giúp nhà chịu lực tốt, ổn định trên nền đất dốc, đồng thời thoát nước mưa nhanh, chống nóng và giữ ấm hiệu quả.
Không gian bên trong nhà sàn
Tùy theo quy mô gia đình, nhà có từ 3 đến 5 gian. Gian giữa rộng rãi và trang trọng nhất, là nơi đặt bàn thờ tổ tiên và tiếp khách. Đây được xem là không gian thiêng liêng nhất của ngôi nhà.
.png)
Nhà sàn được thiết kế để du khách trải nghiệm căn nhà người Mường (nguồn: Vietpower travel )
Bên trái của gian giữa là khu bếp. Đây là nơi nấu nướng và cũng là nơi các thành viên quây quần bên bếp lửa mỗi tối. Bếp luôn được đặt đúng vị trí, quay vào trong, không hướng ra cửa chính để giữ “lửa” cho gia đình. Các gian còn lại được bố trí làm nơi ngủ, phân chia rõ ràng theo tập tục: đàn ông và khách ngủ bên trái, phụ nữ và trẻ nhỏ ngủ bên phải.
Cầu thang thường đặt ở bên trái (nhìn từ ngoài vào), làm bằng gỗ nguyên tấm, gồm 7 hoặc 9 bậc. Sở dĩ có những con số như vậy, là bởi vì người Mường quan niệm số bậc lẻ mang ý nghĩa tốt lành.
Phong thủy
Người Mường rất coi trọng phong thủy khi xây nhà. Hướng nhà thường quay về nam hoặc đông nam. Đây là những hướng đón gió mát, tránh nắng gắt mùa hè và gió lạnh mùa đông. Các cột nhà luôn kê trên đá để tượng trưng cho sự vững chắc, trường tồn.
Hình mái dốc chụm xuống được ví như mai rùa, thể hiện mong muốn gia đình được chở che, bình yên. Vị trí bếp, cửa ra vào, gian thờ… đều được tính toán kỹ lưỡng, sao cho thuận lợi, hợp phong tục và giữ được sự ấm áp, hòa thuận trong gia đình.
Trải nghiệm du lịch: Ghé thăm và ngủ nhà sàn người Mường Hòa Bình
Đến Hòa Bình, ai cũng háo hức một lần được bước lên những ngôi nhà sàn người Mường. Bởi lẽ, đó không chỉ là nơi ở, mà còn là nơi giữ hồn cốt văn hóa, nơi mà mỗi góc nhỏ đều phảng phất hương vị núi rừng và tình người mộc mạc.
Nhà sàn nằm rải rác trên sườn núi, ven suối hay giữa thung lũng lúa xanh rì. Mái lá cọ xếp dày, dốc xuống dịu dàng. Những cột gỗ nâu bóng theo năm tháng, bậc thang gỗ êm ái kêu nhẹ dưới chân. Bước lên hiên sàn, bạn sẽ thấy không gian bên trong thật thoáng đãng, mát lành. Gió núi len lỏi qua khe vách, mang theo cả mùi khói bếp, hương lúa và mùi gỗ thơm dịu. Dưới gầm sàn, lũ gà, chú trâu, đống củi cứ thế bình thản như một phần cuộc sống.
.png)
Đến với nhà sàn người Mường, bạn còn có thể chiêm ngưỡng những điệu múa của người dân tộc nơi đây (nguồn: Làng Văn Hóa)
Đêm xuống, nhà sàn càng trở nên ấm áp hơn bao giờ hết. Cả bản làng chìm trong màn sương mỏng, ánh đèn leo lét hắt ra qua vách tre. Bữa cơm tối quây quần bên bếp lửa thật giản dị mà ngon đến lạ với cơm lam, thịt nướng lá mắc mật, bát canh rau rừng, chén rượu cần thơm nồng. Người Mường còn kể chuyện cho khách nghe, xem họ như những người bạn thân thiết mà đối xử. Bạn sẽ thấy mình như được xích lại gần hơn, gần với núi rừng, gần với con người nơi đây.
Vào mùa lễ hội, không khí nhà sàn lại rộn ràng hơn. Tiếng cồng chiêng, điệu múa sạp, những nụ cười rạng rỡ, tiếng cười giòn tan như làm cả đêm vùng cao ấm lên. Khách và chủ cùng nắm tay nhau múa quanh bếp lửa, uống chung vò rượu cần, vui như đã quen nhau từ thuở nào. Một đêm trên nhà sàn, đôi khi lại khiến người ta thương nhớ mãi, chỉ muốn quay lại thêm lần nữa.
Nếu bạn muốn trải nghiệm trọn vẹn cảm giác ngủ nhà sàn giữa thiên nhiên, lại được chăm sóc chu đáo và tiện nghi, hãy thử dừng chân tại Mai Chau Hideaway Lake Resort.
.png)
Một giấc ngủ trong căn phòng được thiết kế dựa trên hình ảnh nhà sàn người Mường tại Mai Chau Hideaway Lake Resort sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng sau nhiều ngày khám phá
Khu nghỉ dưỡng nằm bên hồ Hòa Bình, với những căn nhà sàn truyền thống được bài trí tinh tế, vừa giữ nguyên nét mộc mạc, vừa thoáng đãng và sạch đẹp. Thức dậy ở đây, mở cửa sổ ra là mây núi bồng bềnh, gió hồ mát rượi và âm thanh núi rừng gọi bạn chào ngày mới. Đừng bỏ lỡ cơ hội tận hưởng một đêm thật đáng nhớ trong căn nhà sàn người Mường giữa lòng Mai Châu!
Một số lưu ý khi tham quan và ở nhà sàn người Mường
Người Mường vốn hiền hòa, hiếu khách, sẵn sàng đón bạn như một thành viên trong gia đình. Tuy vậy, khi đến nghỉ và sinh hoạt trong những ngôi nhà sàn truyền thống, bạn cũng nên tinh ý một chút để chuyến trải nghiệm trọn vẹn và dễ chịu hơn.
-
Nhà sàn người Mường có những nguyên tắc riêng trong cách vào nhà. Khi bước lên sàn, bạn nên đi bằng cầu thang bên phải, tránh đi thang trái vì đây thường dành cho phụ nữ trong gia đình. Ngoài ra, trước khi bước vào nhà, hãy nhớ rửa chân tay sạch sẽ ở vòi nước hoặc chạn nước đặt ngay dưới cầu thang. Điều đó không chỉ giữ vệ sinh mà còn thể hiện sự tôn trọng với gia chủ.
-
Chú ý không ngồi, dựa hoặc treo đồ tùy tiện vào cột cái giữa nhà, vì đây được coi là phần quan trọng, thiêng liêng nhất của ngôi nhà. Bàn thờ tổ tiên đặt gian giữa cũng không nên chạm tay hay di chuyển đồ vật. Nếu muốn chụp ảnh, bạn hãy hỏi ý kiến chủ nhà trước để tránh làm mất lòng mà họ lại ngại không nói.
-
Nên giữ không khí yên tĩnh, không cười đùa quá lớn về đêm để không làm phiền người già, trẻ nhỏ trong bản. Ngoài ra, người Mường rất giữ gìn bếp lửa, xem đó là linh hồn của gia đình. Vì vậy, tuyệt đối không tự ý dập lửa hay chất củi bừa bãi vào bếp của họ.
-
Giữ gìn vệ sinh chung và tôn trọng thiên nhiên quanh bản. Nhà sàn được dựng giữa núi rừng, mọi thứ đều giản dị, mộc mạc. Chỉ cần bạn khẽ khàng một chút, chuyến nghỉ lại nơi đây sẽ trở thành một kỷ niệm đẹp, khiến bạn nhớ mãi không quên.
Xem thêm: Bản đồ du lịch Mai Châu: Khám phá thung lũng bình yên
Những đêm ngủ trên nhà sàn người Mường, nghe tiếng gió len qua mái lá, tiếng côn trùng thì thầm ngoài núi rừng chắc chắn sẽ là kỉ niệm đáng nhớ của bạn ở Hòa Bình. Một lần trải nghiệm là một lần để lòng mình dịu lại, thấy yêu hơn sự bình dị mà bền bỉ của người Mường và mái nhà mai rùa che chở họ qua bao đời.